In Nhà văn Nhiêu Tuyết Mạn

Đăng ngày: 14-05-2011   Lần xem: 2468

Là nhà văn tự do, thế hệ 7X, sinh ngày 11/12/1972, tốt nghiệp khoa Trung văn Học viện Tứ Xuyên, từng làm các nghề: biên tập viên tạp chí Văn nghệ thiếu niên tỉnh Giang Tô, người dẫn chương trình Đài phát thanh nhân dân Trấn Giang, admin chính website Hoa Y Đường, làm DJ… Cô bắt đầu sáng tác văn từ năm 14 tuổi, từng giành nhiều giải thưởng văn học trẻ, đã xuất bản hơn 50 tác phẩm, được đánh giá có ngôn từ đẹp, câu chuyện xúc động, phong cách đa dạng biến hóa, được mệnh danh là “con ma ngôn từ”, “Nữ hoàng văn học tuổi thanh xuân”…. Các tác phẩm tiêu biểu: Cung điện vàng của tiểu yêu, Tà áo học sinh, Tai trái, Đồng hồ cát, Ly ca, hát tình ca, Quả bí mật… Là một trong những tác giả ăn khách nhất hiện nay ở Trung Quốc với các tác phẩm chủ yếu dành cho phái nữ, độ tuổi từ 14-22, mở ra một cuộc cách mạng trên thị trường sách teen ở nước này. Đặc biệt tiểu thuyết Thiên Thiên Thiên Lam của cô đã được bán bản quyền sang Nhật, được độc giả Nhật cực kỳ yêu thích.



Nhiêu Tuyết Mạn tự thành lập Công ty phát triển văn hóa sáng tạo Tuyết Mạn, tổ chức các cuộc thi M-Girl khắp toàn quốc để tuyển chọn làm người mẫu minh họa cho sách của cô, hoặc làm diễn viên chính trong các bộ phim truyền hình và phim truyện được chuyển thể từ sách của Nhiêu Tuyết Mạn. Phong cách sáng tác tiểu thuyết của Tuyết Mạn chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa tình tiết câu chuyện với hình ảnh, nên đặc biệt sinh động và được nhiều đạo diễn yêu thích. Những phim đã được chuyển thể từ truyện của Nhiêu Tuyết Mạn gồm: Mã Trác, Cung điện màu vàng của tiểu yêu, Tình yêu của đồng hồ cát… và các clip ca nhạc như: Thuốc độc, Vi Tuyết, Rời bỏ, Tình yêu của đồng hồ cát…

Tiểu thuyết Đồng hồ cát đã đưa ra khái niệm “Bộ phim trên giấy của tuổi 17”. Bên cạnh sáng tác sách, cô còn chủ biên một loạt tạp chí thời thượng như: M-Girl, 17Seventeen, Tuyết Mạn, Nữ sinh nhất.. được các nữ sinh rất yêu thích. Khẩu hiệu của các tạp chí này là “Không có ai vĩnh viễn 17 tuổi, nhưng vĩnh viễn có người 17 tuổi”. Ngoài ra, Nhiêu Tuyết Mạn còn đi giảng bài ở các trường học.

Bởi: Nguyễn Việt Hoàng