In Văn học Việt xuất ngoại: Manh nha một lộ trình chuyên nghiệp (kỳ 2) (Chibooks trên báo Đất Việt)

Đăng ngày: 24-03-2012   Lần xem: 267
(Đất Việt) Thay vì theo kiểu “xách tay”, người ta bắt đầu thấy một quy trình xuất khẩu có hệ thống và có sự chuẩn bị. Nhiều dự án đã được thiết kế và đi vào thực hiện, dù vẫn mới chỉ là thể nghiệm và phi lợi nhuận.

Dù chưa rõ rệt nhưng đường xuất ngoại của văn học Việt đang đi theo ba nhánh: đại diện tác quyền cho nhiều tác giả như Chibooks; xuất bản, tìm kiếm liên kết xuất bản những tác phẩm như NXB Trẻ và chỉ bán bản quyền như NXB Kim Đồng.

Tạo đường để đi

Ngày 16/3 vừa qua, Chibooks đã công bố dự án đưa văn học Việt xuất ngoại. Trong năm 2012, nhà sách này sẽ ký kết với khoảng 20 tác giả để đưa khoảng 100 tác phẩm ra thị trường nước ngoài. Phương án tiếp cận của Chibooks cũng là các Hội chợ sách quốc tế, mà cụ thể là Hội chợ bản quyền sách Kuala Lumpur vào cuối tháng tư, Hội chợ sách quốc tế Bắc Kinh vào cuối tháng tám năm nay…

Chibooks cũng đã kịp chuẩn bị tài liệu, thông tin khá chu đáo bằng tiếng Anh, tiếng Hoa. Trước đó, NXB Trẻ đã chủ động xuất bản Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần phiên bản tiếng Anh, với bản dịch của dịch giả Trương Tiếp Trương, và mang đi giới thiệu tại các Hội chợ sách ngoài nước. Tuy cùng mục đích, nhưng đây là hai phương án khác nhau. Chibooks chỉ làm trung gian, đại diện về tác quyền và hưởng lợi nhuận theo thỏa thuận. NXB Trẻ lại bán thành phẩm, trước hết là những tác phẩm họ giữ bản quyền phát hành trong nước. NXB Kim Đồng cũng không liên kết xuất bản mà chủ yếu là bán bản quyền để đối tác xuất bản sách và chuyển thể thành phim hoạt hình.

 

Việc Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh phát hành tại Hàn Quốc và Mỹ là nhờ nỗ lực cá nhân khi ông chủ động tìm người dịch rồi mang đi “chào hàng”. Tuy nhiên, theo nhà văn, đây là cách làm đầy rủi ro, dù có được “để mắt” tới hay không thì ông vẫn phải mất kinh phí không nhỏ cho việc chuyển ngữ.

Bài toán không dễ giải

Một trong những vấn đề gây không ít khó khăn con đường đầy tính quảng bá và hội nhập này chính là dịch giả. NXB Kim Đồng từng bỏ vài giao dịch với nước ngoài vì không tìm được dịch giả đủ tiêu chuẩn. Cũng giống như việc dịch các tác phẩm nước ngoài sang tiếng Việt, ngoài rành rẽ hai ngôn ngữ, dịch giả còn phải thông hiểu văn hóa, đặc trưng của ngôn ngữ văn học nước sở tại. Với những yêu cầu đó, tốt nhất dịch giả là người bản xứ và thuộc giới văn chương.

Tuy nhiên, tìm được một dịch giả nước ngoài am hiểu ngôn ngữ Việt để chuyển ngữ không hề dễ. Ít ai biết rằng, 10 nước đã dịch và phát hành Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh hầu hết đều dựa trên bản tiếng Anh chứ không phải tiếng Việt. Nguyên do vì khả năng tiếp cận bản tiếng Việt thấp và bài toán dịch giả. Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư hay Mắt biếc của Nguyễn Nhật Ánh cũng tình cờ mà tìm được người dịch là người bản xứ, nên mới tạo không ít tiếng vang tại đó.

Chính vì thế, trong dự án đưa văn học Việt xuất ngoại của mình, sau một hồi chật vật tìm kiếm, NXB Trẻ đã chọn dịch giả Việt kiều Trương Tiếp Trương để dịch Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ sang tiếng Anh. Bản dịch tiếng Anh được xem là cú lội ngược dòng đầy khó khăn. Trong quá trình chuyển ngữ, dịch giả này và người hiệu đính (Bradley – giáo viên văn học, nhà phê bình sách cho tạp chí Taiwan Times) cũng tranh luận không ít về giọng điệu trong câu chữ, trước khi hoàn thành tác phẩm.

Kỳ cuối: Đi mãi liệu có thành đường?

 

Võ Hà

m.baodatviet.vn/Home/vanhoa/Van-hoc-Viet-xuat-ngoai-Manh-nha-mot-lo-trinh-chuyen-nghiep-ky-2/20123/199699.datviet

Bởi: SALESCHIBOOKS 1