In Văn học Việt 'xuất ngoại': Đi mãi liệu có thành đường? (Kỳ cuối) (Chibooks trên báo Đất Việt)

Đăng ngày: 27-03-2012   Lần xem: 248

(Đất Việt) Đã có người phát quang, tuy nhiên, đó có trở thành một con đường hay không? Câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ. Chỉ biết rằng, thị trường nước ngoài vẫn còn bỏ ngỏ đối với văn học Việt nhưng đó là “miếng bánh” không hề dễ xơi.

Trong 6 năm, con số tựa sách mà NXB Kim Đồng “xuất khẩu” chưa đến 10, và bước đầu cũng chỉ phục vụ cho cộng đồng người Việt tại nước ngoài chứ không phải là độc giả bản xứ. “Những bộ sách của chúng tôi là cầu nối văn hóa Việt Nam của cộng đồng người Việt xa quê, những người yêu mến văn hóa đất nước và con người Việt Nam. Tuy chưa nhiều nhưng đó là những tín hiệu khả quan”, bà Vũ Quỳnh Liên – Trưởng phòng Bản quyền – NXB Kim Đồng cho biết.

Không ít tác phẩm của Việt Nam, dù mang tiếng là “xuất ngoại” nhưng thực tế chỉ là mang tặng, và vẫn không “tiêu thụ” hết dù số lượng ít. Oxford yêu thương của Dương Thụy được NXB Trẻ chuyển sang Anh ngữ với tựa Belove Oxford và vừa được tái bản. Tuy nhiên, vẫn chỉ phát hành tại Việt Nam, và có điều này bởi vì cô có sự ủng hộ nhiệt tình từ những người bạn nước ngoài của mình, các sinh viên đang trau dồi tiếng Anh, và điều đó không hề khẳng định giá trị văn học của tác phẩm đối với độc giả nước ngoài.

 

Một vấn đề khác khiến việc xuất ngoại văn học gặp phải sự e dè của các NXB là kinh phí. Chỉ tính riêng khoản dịch giả, kinh phí đã cao hơn nhiều so với việc dịch từ Anh, Pháp... sang Việt. Đó là chưa kể việc thu hồi vốn không có gì dự báo là có khả năng diễn ra ngay lập tức, chưa nói đến lợi nhuận. “Có thể trong một, hai năm tới,  con đường này vẫn là phi lợi nhuận”, bà Lệ Chi - giám đốc Chibooks chia sẻ.

Thực tế, từng có một vài NXB nước ngoài do người Việt làm chủ đã xuất bản một số tác phẩm Việt Nam để phục vụ cộng đồng người Việt. Văn học Việt “xuất ngoại” qua ngả du lịch, giao lưu... cũng không hiếm.

Tuy nhiên, một điều rất rõ ràng rằng các tác phẩm này được chọn lựa khá chủ quan, không phản ánh đúng tình hình văn học trong nước. Điều đó để lại không ít nguy cơ nếu độc giả nước ngoài dựa vào đó mà có cái nhìn khái quát về văn học Việt Nam. Nhà văn Lê Minh Quốc từng có không ít băn trước dự án của Chibooks. Theo ông, việc chọn lựa tác phẩm xứng đáng mới là điều quan trọng nhất. “Đó nên là một tác phẩm được đánh giá cao trong nước, được chuyển ngữ một cách cẩn thận”, ông nói.

Tại Hội sách 2012 đang diễn ra tại TP HCM, sự hiện diện các gian hàng của NXB nước ngoài như Cambridge, Pearson, Oxford, Macmillan, Mc Graw Hill, Penguin... không hề là sự tình cờ đối với cả hai phía. Các NXB đều nhận thức rõ rằng đây là cơ hội tốt để quảng bá cũng như tìm kiếm liên kết xuất bản. Thực tế, sau một vài trường hợp may mắn, văn học Việt ít nhiều đã bắt đầu được chú ý, vấn đề còn lại là kết nối thế nào, tiến hành ra sao. Một sự kết hợp đồng bộ, từ phương án tiếp cận, quảng bá, giới thiệu đến dịch thuật... là điều cần nhất trong lúc này. Để thành đường, cần phải có nhiều điều khác, không phải là cứ cắm cúi mà đi!

Võ Hà

baodatviet.vn/Home/vanhoa/Van-hoc-Viet-xuat-ngoai-Di-mai-lieu-co-thanh-duong-Ky-cuoi/20123/199956.datviet

Bởi: SALESCHIBOOKS 1