In 'Không có giám đốc NXB tư nhân nào dám làm gì để bị bắt' (Chibooks trên báo Đất Việt)

Đăng ngày: 05-11-2012   Lần xem: 1649

“Hoàn toàn có thể cho phép Nhà xuất bản (NXB) tư nhân thử nghiệm hoạt động để giảm bớt chi phí và tăng chất lượng. Tôi tin là sẽ không có giám đốc NXB tư nhân nào dám làm gì để bị lên báo và công an bắt”, ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc First News, đề xuất.

Lâu nay, mỗi khi cuốn sách nào đó mắc lỗi, bị thu hồi, người ta thường hướng sự chỉ trích vào các công ty sách, đối tác của các nhà xuất bản. Nhưng trên thực tế, nhiều người cho rằng, chính sự bắt tay này đã thúc đẩy thị trường sách phát triển như hiện nay.

Liên kết xuất bản không có lỗi

Ông Nguyễn Văn Phước cho hay hoạt động liên kết xuất bản có ở Việt Nam vào cuối thập niên 80 của thế kỉ 20 còn trước đó chỉ nhà nước mới được xuất bản. Việc liên kết xuất bản mở ra cơ hội cho những người tâm huyết với sách, có khả năng và làm cho sách phong phú hơn. Nhờ vậy, bạn đọc Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận với nhiều nguồn kiến thức khác nhau.

Từ đó tới nay, rất nhiều công ty tư nhân, nhà văn, tác giả… có điều kiện tự sản xuất những cuốn sách họ ước mong, làm văn hóa đọc phong phú hơn. First News đã thành lập được 18 năm, nhưng trong suốt thời gian qua luôn phải đứng sau một NXB nào đó, như NXB Trẻ, NXB TP.HCM, NXB Phụ nữ… Mọi việc đều tự làm, nhưng First News vẫn phải trả một khoản tiền quản lý phí.

Sách lậu, nỗi đau đớn của những người làm sách. Ảnh: Kim Anh

Bà Lệ Chi, Giám đốc Chibooks, cho rằng các công ty sách tư nhân đang trở thành chủ lực chính trong hoạt động xuất bản hiện nay. Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Giám đốc Công ty sách Thái Uyên, đưa ra con số 80% sách trên thị trường là của tư nhân thông qua liên kết. Tạo được thành thương hiệu là những công ty sách như First News, Alpha Books, Nhã Nam, Thái Hà, Đông A... vì đã đem về VN nhiều cuốn best seller.

Thậm chí, bà Yến còn cho rằng, độc giả hiện nay đã thay đổi thói quen, họ không nhìn vào tên NXB nữa, mà nhiều khi lựa chọn sách theo thương hiệu của các công ty. Lý do, theo bà Yến, các công ty sách tư nhân năng động và nhanh nhạy với thị trường. Trong khi đó, theo ý kiến của bà Lệ Chi, khá nhiều NXB của nhà nước không kịp thích ứng với tình hình kinh tế thị trường, không chuẩn bị xây dựng một đội ngũ mua bản quyền chuyên nghiệp đã bị tụt lùi, không cạnh tranh nổi với các công ty sách tư nhân. Bà Chi nhận xét: trừ một số NXB năng động như NXB Trẻ, Kim Đồng… phần lớn các NXB khác đều in sách trong nước, in tái bản lại sách cũ hoặc cấp giấy phép là chính.

Cần công bằng hơn!

Thừa nhận thực tế có những công ty sách tư nhân do chạy đua tìm kiếm lợi nhuận để tồn tại đã ra sách ẩu, sách kém chất lượng, nhưng bà Hoàng Yến cho rằng một phần lỗi do NXB quá tin tưởng vào đối tác cũng không có những theo dõi và giám sát hợp lý như kiểm tra cẩn thận sách lưu chiểu trước khi chấp thuận phát hành, dẫn đến những sự cố đáng tiếc.

Bà Lệ Chi cho hay, khi liên kết, toàn bộ nội dung, chi phí xuất bản đều do phía công ty sách đảm nhận, phía NXB chỉ cấp giấy phép. Vì vậy nói một cách công bằng thì sản phẩm đó nên do người mẹ đẻ, tức công ty sách, chịu trách nhiệm chính là đúng. “Tuy nhiên ở đây sẽ nảy sinh vấn đề: tại sao sản phẩm bị lỗi và sai trái (kể cả phần bìa hay nội dung trong ruột), do NXB không đọc kĩ bản thảo trước khi cấp phép? Họ có thể yêu cầu đối tác liên kết xuất bản sửa chữa và hoàn thiện sản phẩm, tránh để rơi vào tình trạng sách đã phát hành phải thu hồi lại do không đạt chất lượng, NXB cũng phải chịu trách nhiệm liên đới. Nếu NXB đã cấp phép nếu cứ đứng làm ngơ và cho rằng mình không có trách nhiệm về giấy phép mình đã cấp thì khó thuyết phục dư luận”, bà Lệ Chi nói.

Bà Chi khẳng định: đã làm và phải chịu trách nhiệm về việc mình làm (dù ít hay nhiều) là một cách ứng xử văn hóa và văn minh dù chủ thể gây ra hành động đó là tư nhân hay tập thể nhà nước, dù là công ty sách hay NXB. Chỉ có như vậy, cùng làm, cùng chịu trách nhiệm về sản phẩm chung, quan hệ giữa các đơn vị liên kết xuất bản với các NXB mới thực sự tốt đẹp và khăng khít.

Nạn sách lậu và sự lỏng lẻo trong bảo hộ bản quyền là nỗi bức xúc của nhiều công ty làm sách. Ông Nguyễn Văn Phước nói: “Cần phải mạnh tay hơn nữa với nạn sách lậu, bằng cách đưa tội làm sách lậu thành tội làm hàng giả, chứ phạt hành chính 5 - 10 triệu thì không có nhiều tác dụng. Sách lậu tràn lan, khiến những người làm sách chúng tôi đôi khi thấy nản lòng vì đầu tư rất nhiều tiền và công sức mà không được bảo vệ, nếu cứ như vậy thì sẽ không còn nguồn sách hay cho độc giả”. Đầy tâm tư, ông Phước đề xuất: “Hãy mạnh dạn cho phép NXB tư nhân thử nghiệm hoạt động để giảm bớt chi phí, tăng chất lượng. Tôi tin là sẽ không có giám đốc NXB tư nhân nào dám làm gì để bị lên báo và công an bắt”.

Lê Thoa

baodatviet.vn/Home/vanhoa/Khong-co-giam-doc-NXB-tu-nhan-nao-dam-lam-gi-de-bi-bat/20127/222055.datviet

Bởi: SALESCHIBOOKS 1