Giỏ hàng (0) List Yêu thích

Đăng ký nhận tin

 

Các đoạn phỏng vấn nhà văn Mạc Ngôn do dịch giả Nguyễn Lệ Chi thực hiện
Pdf In E-mail

Các đoạn phỏng vấn nhà văn Mạc Ngôn do dịch giả Nguyễn Lệ Chi thực hiện (trích từ cuốn Đàn ông, đàn bà và chuyện, tác giả Nguyễn Lệ Chi, xuất bản 21.6.2011)

Nhà văn- nhà báo Trung Quốc Mạc Ngôn

Đổi đời nhờ… dịch giả

Mạc Ngôn thừa nhận nhờ ngôn ngữ, ông đã được đổi đời từ nông dân trở thành một nhà văn. Và cũng nhờ các dịch giả trong và ngoài nước, ông trở thành một nhà văn nổi tiếng khắp thế giới. Trả lời phỏng vấn, nhà văn chia sẻ một kinh nghiệm thú vị trong việc tìm đường đến với độc giả quốc tế.

NLC: Tác phẩm đầu tiên của ông được dịch ra tiếng nước ngoài là cuốn nào? Năm bao nhiêu?

MN: Đó là tiểu thuyết Cao lương đỏ. Lúc đó là năm 1988. Thời đó rất ít tiểu thuyết Trung Quốc được dịch ra tiếng nước ngoài.

NLC: Hiện tại tác phẩm nào của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất?

MN: Các tác phẩm như Cao lương đỏ, Báu vật của đời, Tửu quốc… đều được dịch nhiều nhất, hầu hết đã được dịch ra tất cả các ngôn ngữ chính ở châu Âu và châu Á như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Ý, Nhật…

NLC: Hầu hết các tác phẩm của ông đến với độc giả nước ngoài bằng con đường nào? Họ tự tìm đến ông để xin mua bản quyền, hay do các NXB TQ đã chủ động giới thiệu tác phẩm của ông ra nước ngoài?

MN: Thời gian đầu là do các nhà dịch giả Trung Quốc, tiếp đó là những người đại diện mua bản quyền của các NXB nước ngoài và các NXB. Tôi gặp gỡ các độc giả nước ngoài phần lớn tại các cuộc họp báo giới thiệu tác phẩm, các buổi diễn thuyết hoặc ký tặng tác phẩm. Cũng có một số độc giả viết thư cho tôi hoặc tới Trung Quốc tìm tôi để làm luận văn.

NLC: Ông nhìn nhận thế nào về vai trò và vị trí của dịch giả?

MN: Họ là những người quan trọng nhất. Một dịch giả xuất sắc không chỉ cần ngoại ngữ giỏi mà tiếng mẹ đẻ cũng phải giỏi. Tiếng mẹ đẻ có giỏi, họ mới truyền tải hết tinh thần trong các tác phẩm của tôi khi dịch sang tiếng nước khác.

NLC: Dịch giả ở Trung Quốc có được coi trọng không và đời sống của họ có được đảm bảo bằng nghề không?

MN: Các dịch giả ở Trung Quốc thường làm việc chuyên nghiệp cho một cơ quan cụ thể. Cơ quan đó sẽ trả lương, phân nhà, giải quyết những vấn đề chủ yếu trong cuộc sống của họ. Nếu chỉ dựa vào việc dịch sách, tất nhiên cuộc sống của họ vẫn bảo đảm, tuy nhiên phần lớn cuộc sống của các nhà phiên dịch vẫn rất kém.

NLC: Ông đánh giá ra sao về văn học Trung Quốc đương đại?

MN: Tôi cho rằng trong vòng 30 năm trở lại đây, văn học Trung Quốc đương đại đã đạt những thành tựu huy hoàng. Như tiểu thuyết của tôi chẳng hạn, cũng không thua kém gì các tiểu thuyết của phương Tây. Tôi cho rằng văn học của tôi đã trở thành một bộ phận của văn học thế giới. Tôi đã viết ra những tiểu thuyết mang đậm nét đặc sắc của văn hóa Trung Hoa, dù có một số nhà phê bình Trung Quốc chuyên trị đả kích tôi. Nhưng trái lại điều đó lại minh chứng được tầm quan trọng của tôi.

NLC: Sách Trung Quốc được dịch ra khá nhiều thứ tiếng, đặc biệt là sách văn học, theo ông, đó là nhờ đâu?

MN: Thời gian đầu, phim ảnh có tác dụng rất to lớn. Chẳng hạn như tiểu thuyết Cao lương đỏ của tôi gây được sự chú ý của văn đàn thế giới là bởi bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết này được giải quốc tế. Trong mấy năm gần đây, sách của tôi được dịch ra các ngôn ngữ khác nhiều là bởi do đề tài và phong cách độc đáo, đặc biệt, gây nên sự chú ý của các nhà phiên dịch và sự yêu thích của độc giả phương Tây.

NLC: Ông có đọc sách văn học nước ngoài không và thích văn học của nước nào, tác giả nào?

MN: Thực ra số tác phẩm văn học nước ngoài được tôi yêu thích quá nhiều. Rất nhiều người cho rằng tôi thích văn hóa La Tinh châu Mỹ. Kỳ thực tôi thích nhất văn học Nga, chẳng hạn các tác phẩm: Chiến tranh và hòa bình (tác giả: Lev Nikolayevich Tolstoy), Tội ác và trừng phạt (tác giả:Fyodor Mikhailovich Dostoevsky.) Sông Đông êm đềm (tác giả: Mikhail Aleksandrovich Sholokhov). …

NLC: Ông có biết tới văn học Việt Nam hoặc nhà văn Việt Nam nào không?

MN: Vô cùng tiếc. Vì tôi vẫn mong có cơ hội gặp gỡ độc giả VN nhưng tới giờ vẫn chưa có. Tôi cũng hy vọng được đọc các cuốn văn học VN đã được chuyển ngữ sang tiếng Hoa, nhưng cho tới giờ vẫn chưa thấy có cuốn nào. Hay là có thể có mà tôi tìm chưa ra.

NLC: Xin ông cho biết kế hoạch trong năm mới 2010?

MN: Tôi sẽ viết một vở kịch mới, đồng thời cũng chuẩn bị cho việc viết tiểu thuyết mới.

NLC: Cám ơn ông, và chúc ông một năm mới tốt lành.

Tôi luôn sống trong ác mộng

Trong dịp sang tham dự hội chợ sách quốc tế Bắc Kinh lần 13 năm 2006, tôi có duyên gặp gỡ nhà văn nổi tiếng Mạc Ngôn. Ông đã quá quen thuộc với bạn đọc VN qua những tác phẩm như Báu vật của đời, Đàn hương hình, Cao lương đỏ, Cây tỏi nổi giận…

NLC: Xin chào nhà văn Mạc Ngôn, nom ông rất khỏe và sáng tác vẫn rất hăng. Không biết ông có đang nghiền ngẫm tác phẩm mới nào không?

MN: Có chứ. Sáng tác là nguồn sống của tôi, mặc dù phần lớn chúng luôn khiến tôi mệt mỏi vì suy nghĩ và kiệt sức. Tuy nhiên tôi vẫn không thể dứt nổi chúng. Sau cuốn tiểu thuyết mới nhất Mệt mỏi tới chết mà Công ty văn hóa Phương Nam đã mua bản quyền, tôi đang ấp ủ ý tưởng cho một tiểu thuyết khác, dự định năm sau sẽ hoàn tất. Thông thường tôi mất nhiều thời gian suy nghĩ đề tài, sắp xếp mạch nhánh cho câu chuyện trong đầu và tìm tư liệu. Còn thời gian đặt bút viết nhanh lắm. Chẳng hạn như cuốn Sống đọa thác đày gồm 49 vạn từ, tôi chỉ viết trong 43 ngày.

NLC: Ông kể câu chuyện gì trong cuốn tiểu thuyết này, thưa ông?

MN: Đây là cuốn sách đầu tiên tôi viết tay, vứt bỏ máy tính, tổng kết những kinh nghiệm sống mà tôi tích lũy được suốt 43 năm qua. Với kết cấu “sáu đạo luân hồi” mượn dùng từ Phật giáo, tôi viết về câu chuyện một địa chủ bị giết oan, không ngừng luân hồi trong các kiếp nghiệt súc, mãi cuối cùng mới được trở lại thành người.

Tôi dùng đôi mắt của động vật để miêu tả lại những thay đổi của xã hội Trung Quốc suốt 50 năm qua. Nhất là về mối quan hệ giữa nhân dân với đất đai, với thể chế XHCN, về những khó khăn của nông dân và những vấn đề còn tồn tại ở nông thôn sau cải cách ruộng đất. Tóm lại đây là một cuốn sách rất phức tạp nhưng đặc biệt thú vị. Hi vọng độc giả VN cũng yêu thích như các cuốn sách trước.

 

NLC: Hình như các nhà văn vẫn có thói quen viết đêm?

MN: Không, tôi viết văn như những người lao động phổ thông, sáng tác ban ngày thôi, ban đêm nghỉ ngơi. Mà thật ra cũng không được nghỉ ngơi đâu. Khi ngủ toàn nằm mơ do đầu óc nghĩ ngợi nhiều quá.

NLC: Mơ lành hay mơ dữ?

MN: Toàn ác mộng mới khổ chứ. Hơn nửa đời người, tôi toàn sống trong ác mộng đấy, ngủ không bao giờ được ngon giấc. Lúc thì mơ thấy bị người đuổi, đánh, giết, mình cứ ra sức chạy trốn mà người cứ nặng trĩu như khúc gỗ. Nhưng có lúc bí quá lại bay vụt được lên, như là chim vậy, nhìn thấy cả cây cối, nhà cửa bên dưới cũng thú vị lắm.

NLC: Thời gian rỗi ông thường làm gì?

MN: Cũng ít có thời gian rỗi lắm, nhưng tôi tranh thủ đọc sách hoặc đi tới những vùng mà mình định sử dụng làm chất liệu để quan sát kỹ trước khi viết. Ngoài viết văn, tôi còn tham gia viết chuyên mục trên báo và một số lời giới thiệu cho các nhà văn Trung Quốc trẻ có triển vọng như Trương Duyệt Nhiên…

NLC: Ông thấy dòng văn học Ling Lei thế nào?

MN: Hậu sinh khả úy, thế hệ sau nhiều điều kiện hơn và năng động hơn lớp chúng tôi. Nhưng ăn nhau ở sức bền và tình yêu với văn học thôi. Những nhà văn trẻ như vậy ngày càng nhiều ở Trung Quốc. Các nhà xuất bản suốt ngày gọi điện nhờ tôi viết lời tựa cho sách. Nhưng tôi không có thời gian đọc sách của họ làm sao viết lời tựa được cơ chứ. Tuy nhiên đó là một dòng văn học sinh động, hiện đại và gửi gắm nhiều khát vọng mới của lớp trẻ. Hi vọng độc giả VN cũng đón nhận các tác phẩm của dòng văn học này.

Tết và đàn ông

Đã quá quen thuộc với độc giả Việt Nam suốt hơn 10 năm qua phần lớn tác phẩm dịch, nhà văn Mạc Ngôn tỏ ra rất hứng thú với độc giả và báo giới Việt Nam. Ông đã dành thời gian tâm tình về nhiều chuyện rất đời thường.

Đàn ông thực sự là phải có trách nhiệm

NLC: Theo ông, một người đàn ông thực sự cần có những yếu tố gì?

MN: Tôi cho rằng một người đàn ông thực sự phải hội tụ đủ ba yếu tố sau. Một là có tinh thần trách nhiệm, với gia đình, với xã hội, với bạn bè. Hai là cần có lòng bao dung, có thể chấp nhận nhược điểm của người khác, tha thứ cho những hiểu lầm và tổn thương của người khác, không chấp nhất so đo, tính toán. Ba là cần có sự nghiệp, có chí hướng lớn, phải luôn có yêu cầu cao nhất đối với công việc của mình, không phải làm vì tiền hay vì danh.

NLC: Vậy ông thấy đàn ông thời xưa và đàn ông thời nay có gì giống và khác nhau?

MN: Thực ra họ cũng như nhau thôi, cũng muôn hình vạn trạng. Người ta thường thấy đàn ông thời nay không bằng đàn ông thời xưa, nguyên do chỉ là “trong mắt người thời nay không có anh hùng” mà thôi.

NLC: Theo ông nỗi khổ và áp lực của đàn ông thời nay là gì và có thể giải quyết ra sao?

MN: Đàn ông thời nay, những người sống trong cảnh nghèo khó, vẫn phải nỗ lực để mong no ấm; còn người sống ở thành phố lại đấu tranh đòi tiền bạc và danh lợi. Hoàn cảnh khác nhau,cảm nhận về nỗi khổ và áp lực cũng khác nhau. Nhưng tôi vẫn cho rằng đối đàn ông ở nông thôn, nỗi khổ thường đến từ sự nghèo khó, thiếu thốn vật chất. Còn đàn ông ở thành phố, nỗi khổ phần lớn do sự trống rỗng về tinh thần, không có lý trí, không có mục tiêu đeo đuổi trong cuộc đời nên tự khắc thấy đau khổ về mặt tình cảm.

NLC: Ông cho rằng đàn ông thích nhất phong cách sống ra sao?

MN: Tôi thích nhất cuộc sống đơn giản, thuần phác, tương đối nhàn hạ.

NLC: Còn đàn ông thích nhất những gì?

MN: Tôi có thể nói thẳng nhé, đàn ông thích nhất phụ nữ đẹp, thông minh, lương thiện.

NLC: Vậy đàn ông ghét nhất thứ gì?

MN: Ghét nhất loại người hư danh, giả tạo, lừa gạt, hiểm ác.

NLC: Đối với ông, đàn ông có thể phân thành mấy loại và với những đặc điểm gì?

MN: Khó nói lắm.

NLC: Ông tự đánh giá mình thuộc loại đàn ông gì? Có những ưu điểm và khuyết điểm ra sao?

MN: Tôi thuộc dạng người lương thiện, yếu đuối, thiếu hụt tinh thần, là loại người sẵn sàng chịu thiệt thòi. Nhược điểm của tôi là quá dịu dàng, không quyết đoán, không thể làm được việc lớn. Ưu điểm là chịu khó tỉ mỉ, dễ hòa đồng.

NLC: Lúc rảnh rỗi, ông thường làm gì?

MN: Lúc rảnh, tôi thường đọc sách, xem ti vi.

Ăn Tết

NLC: Năm 2008, ông có những thu hoạch gì, có tác phẩm nào mới?

MN: Năm vừa qua, tôi được mời tới Tây Ban Nha, Đức, Hồng Kông để nói chuyện về văn học. Tiểu thuyết Sống đọa thác đày của tôi đã được tặng giải thưởng Hồng lâu mộng của trường đại học Hồng Kông và giải Văn học Hoa ngữ Newman của Mỹ. Thời gian còn lại, tôi đọc sách, tra cứu tài liệu chuẩn bị để viết tác phẩm mới.

NLC: Ông có thể tiết lộ đôi chút về tác phẩm mới này?

MN: Đó là một tác phẩm có liên quan tới phụ nữ và chiến tranh.

NLC: Tết sắp tới rồi, ông có dự tính gì không. Nghe nói ông thường về quê ăn Tết. Vậy ăn Tết ở Bắc Kinh và ở quê ông có gì khác nhau? Có phải ăn Tết ở thành phố ngày càng nhạt nhẽo không?

MN: Đúng vậy, tôi sẽ về quê tôi là vùng Cao Mật để ăn Tết. Ở lại Bắc Kinh ăn Tết, tôi thấy rất cô độc dù có cả gia đình. Ở Cao Mật khi ăn Tết có cả một thôn xóm, rất ồn ào náo nhiệt. Ở đó có rất đông người thân và bạn bè. Tết đến cũng là dịp tụ họp người thân và bạn bè.

NLC: Tết đến, ông thích ăn gì nhất?

MN: Tôi thường thích ăn bánh chẻo, màn thầu và bánh chưng.

NLC: Nghe nói đạo diễn Trương Nghệ Mưu cũng từng về quê hương ông – vùng Cao Mật để ăn Tết?

MN: Đúng vậy. Đó là hồi đạo diễn Trương đi quay Cao Lương đỏ, có tới nhà tôi ở Cao Mật cùng ăn Tết. Tết năm 2002 cũng nhà văn Nhật Bản Kenzaburo Oe từng đoạt giải Văn học Nobel có tới nhà tôi ăn Tết theo một chương trình sắp xếp của Đài TH Nhật Bản NHK. Ông ấy cũng leo lên bếp lò nhà tôi, kể về quá trình viết văn của mình, cũng nói ra những suy nghĩ của ông ấy đối với văn học Trung Quốc. Khi ông ấy tới nhà tôi ở Bắc Kinh, tôi có mời Trương Nghệ Mưu tới chơi. Chúng tôi cùng trò chuyện về phim ảnh, văn học, nói chuyện rất thú vị.

NLC: Năm 2009, ông có dự tính gì?

MN: Ba tháng đầu năm 2009, tôi sẽ sang Mỹ tham gia hai hoạt động quan trọng. Một là hội thảo thường niên của Hiệp hội ngôn ngữ hiện đại Mỹ, có chuyên đề nghiên cứu thảo luận về tiểu thuyết của tôi. Hai là tôi sẽ sang trường đại học Oklahoma để nhận giải thưởng văn học Newman. Sau đó tôi sẽ về nước để bắt tay vào sáng tác tiểu thuyết mới.

NLC: Chúc ông một năm mới mạnh khỏe và nhiều thu hoạch mới.

Box Toàn cảnh:

Nhà văn Mạc Ngôn

Tên thật là Quản Mạc Nghiệp

Sinh năm 1955 tại huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.

Bỏ dở tiểu học giữa chừng do Cách mạng văn hóa, phải tham gia lao động nhiều năm ở nông thôn, luôn bị đói khát và cô đơn.

Nhập ngũ năm 1976. Tốt nghiệp khoa Văn Học viện nghệ thuật Giải phóng quân (1984-1986). Từ tháng 10.1987, hoạt động trong lĩnh vực báo chí và viết văn chuyên nghiệp.

Đã xuất bản 11 tiểu thuyết, 20 truyện dài, hơn 60 truyện ngắn và 5 tuyển tập những bài ký, phóng sự, tùy bút…, tổng cộng trên 200 tác phẩm. Hầu hết các tác phẩm của ông đều được dịch ra nhiều ngôn ngữ như Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Nga, Hàn, Hà Lan, Thụy Điển, Ba Lan, Việt Nam…, đều có sức ảnh hưởng lớn trong và ngoài nước.

Các giải thưởng lớn trong và ngoài nước: Giải nhất tiểu thuyết của Hội Nhà văn Trung Quốc cho Báu vật của đời (12.1995). Giải Mao Thuẫn cho tiểu thuyết Đàn hương hình. Giải tiểu thuyết toàn quốc lần thứ 4 (1987) cho tiểu thuyết Cao lương đỏ, tác phẩm được chuyển thể thành bộ phim truyện nhựa cùng tên (đạo diễn Trương Nghệ Mưu) đã đoạt giải Gấu Vàng tại LHP Berlin lần thứ 38. Giải Văn học Liên hợp (Đài Loan). Văn học nước ngoài Laure Batailin (Pháp). Giải Văn học quốc tế Nonino (Ý). Giải thưởng lớn cho Văn hóa châu Á (Nhật). Giải Hồng lâu mộng cho Tiểu thuyết Hoa ngữ thế giới (Hồng Kông). Giải Văn học Hoa ngữ New York (Mỹ). Huân chương Kỵ sĩ Nghệ thuật văn hóa Pháp (3.2004). Tiến sĩ văn học danh dự do trường Đại học Công Khai Hồng Kông trao tặng (12.2005)…

Các tác phẩm đã xuất bản ở Việt Nam: Ếch, Báu vật của đời, Đàn hương hình, Cây tỏi nổi giận, Cao lương đỏ, Rừng xanh lá đỏ, Tửu quốc, Tứ thập nhất pháo, Thập tam bộ, Sống đọa thác đày, Châu chấu đỏ, Hoan lạc, Người tỉnh nói chuyện mộng du, Con đường nước mắt, Bạch miên hoa, Trâu thiến, Tạp văn Mạc Ngôn, Mạc Ngôn và những lời tự bạch…

Box Ta cùng nói về nhau:

Mạc Ngôn: Tôi thật sự bất ngờ khi nhận được một cú điện thoại của một cô gái Việt Nam, để hỏi mua bản quyền tác phẩm của tôi. Đó chính là Nguyễn Lệ Chi. Trước đây, tôi từng nghe bạn bè của tôi ở Việt Nam có khoe rằng rất nhiều tiểu thuyết của tôi từng được dịch ra tiếng Việt và phát hành tại Việt Nam. Nhưng chưa hề có NXB hoặc đơn vị xuất bản nào của Việt Nam từng liên lạc với tôi để xin mua bản quyền, thậm chí cũng không gửi sách biếu tặng tôi. Tôi từng được cộng tác với Lệ Chi với nhiều cương vị khác nhau: nhà văn với đơn vị xuất bản (lúc cô làm Phó giám đốc xuất bản cho công ty Văn hóa Phương Nam và Giám đốc công ty sách Chibooks, hỏi mua bản quyền các tác phẩm của tôi); lúc lại là phóng viên-người được phỏng vấn (khi cô ở tư cách phóng viên báo Thanh Niên để đưa ra những câu hỏi phỏng vấn sắc sảo). Chúng tôi làm việc qua email, qua điện thoại, rồi gặp mặt trực tiếp khi cô đến Bắc Kinh. Tôi cũng từng xin phép cô in lại bài phỏng vấn của cô vào tập sách Nói đi Mạc Ngôn – Tuyển tập các cuộc đối thoại (NXB Hải Thiên, 2007). Làm việc với Lệ Chi rất thú vị, cô rất cẩn thận và rất có trách nhiệm trong công việc kể cả trước và sau khi hoàn tất công việc. Mỗi dịp lễ Tết, tôi lại nhận được điện thoại, email chúc Tết, thăm hỏi của cô. Mỗi lần tới Trung Quốc, dẫu không tới Bắc Kinh, cô cũng điện thoại hỏi thăm. Những việc làm đó tuy rất nhỏ nhưng thật ấm áp.

Tôi thực lòng cám ơn Nguyễn Lệ Chi vì cô đã giúp cho các tác phẩm của tôi được giới thiệu một cách “có danh có phận”, đường hoàng và chính thống ở nước cô, chứ không còn phải “dịch chui dịch lủi” và “xuất bản lậu” như trước kia nữa. Nhờ Nguyễn Lệ Chi, tôi thêm quan tâm hơn tới độc giả Việt Nam và cảm thấy có trách nhiệm hơn nữa với họ. Cám ơn độc giả Việt Nam đã yêu thích tác phẩm của tôi.

Nguyễn Lệ Chi: Tôi đã đọc nhiều tác phẩm của Mạc Ngôn từ trước khi tôi chính thức làm xuất bản. Tôi rất yêu thích tác phẩm của ông bởi những câu chuyện dữ dội về những người dân rất đỗi bình dị trong đời sống. Từng nhân vật của ông đều rất sống động và có sức hút lạ lùng. Mỗi truyện đều thật bất ngờ với những cách kết cấu và nội dung chuyển tải khác nhau dù trên cùng một phông nền là con người và vùng đất Cao Mật-quê hương của tác giả. Những tác phẩm của ông đều gây cho tôi những ám ảnh kéo dài về thân phận của một kiếp người trong một quãng dài lịch sử. Tôi cũng thật may mắn khi tìm ra được địa chỉ liên hệ với nhà văn và thuyết phục được ông cho tôi mua bản quyền tác phẩm. Quá trình làm việc với ông thật thuận lợi. Sau khi nhất trí những dự thảo trong hợp đồng mua bản quyền, tôi đã bay sang Bắc Kinh tìm gặp ông. Trái với suy nghĩ ban đầu của tôi, Mạc Ngôn là một người rất bình dị và dễ gần, dù rất nổi tiếng. Ông vui vẻ tới tận khách sạn trò chuyện với tôi, tám đủ chuyện trên trời dưới bể, từ chuyện văn học tới chuyện gia đình, thú vui… Tôi thường sưu tầm những bài báo đã đăng tải về ông ở Việt Nam và gửi chúng cho ông làm kỷ niệm, dẫu ông không đọc được tiếng Việt. Tôi cũng giúp ông sưu tầm lại tất cả các ấn bản tiếng Việt về các tác phẩm của ông đã xuất bản ở Việt Nam mà ông chưa có. Vì hơn ai hết, tôi hiểu rõ được niềm vui hân hoan của tác giả khi đứa con tinh thần của mình được ra đời, dẫu “sinh hạ” nơi đất khách quê người. Tôi vẫn thường dõi theo quá trình sáng tác của ông thông qua email và tin tức trên Internet. Tôi biết Mạc Ngôn thường dành một quá trình rất dài, ít nhất 3-4 năm để nung nấu đề tài và tập hợp tư liệu đang ấp ủ. Với ông, quá trình thai nghén đó thực sự là sống cùng đứa con đang thành hình, đầy mệt mỏi nhưng cũng lắm điều thú vị.

SALESCHIBOOKS 1 12-10-2012   Lần xem: 915
[Snippet not found: 'rating']
 

Tin bài liên quan

  Lịch sử duyệt web   Sản phẩm giảm giá  
  Danh sách sản phẩm bạn vừa xem

Xem lịch sử duyệt web

 
 Hoàng Tử Hạnh Phúc
-1%

Tác giả: Oscar Wilde

Giá gốc: 42.000 VNĐ
Giá: 41.400 VNĐ
Giấy kê tay KIDBOOKS
-20%
Giá gốc: 5.000 VNĐ
Giá: 4.000 VNĐ
Tập học sinh KIDBOOKS
-14%
Giá gốc: 7.000 VNĐ
Giá: 6.000 VNĐ
 Bút bi Gel Chibooks-Kidbooks màu tím
-50%
Giá gốc: 5.000 VNĐ
Giá: 2.500 VNĐ