Giỏ hàng (0) List Yêu thích
ĐI DỌC HÀ NỘI (sách Việt Nam) tái bản 2013
ĐI DỌC HÀ NỘI (sách Việt Nam) tái bản 2013
Chưa có nhận xét nào. Bạn là người đầu tiên?
Đơn vị cấp phép: Nxb Thời Đại
Đơn vị xuất bản: Chibooks
Phát hành: 22-09-2013
Giá gốc: 85.000 VNĐ
Giá: 42.000 VNĐ
Tiết kiệm: 43.000 VNĐ (51%)
Hình thức: Bìa mềm
Kích thước: 14,5x 20,5cm
Số trang: 352
Trọng lượng: 450 gr
Lượt xem: 1955

Giỏ hàng



 
 
 

Chia sẻ bạn bè

Chia sẻ qua Facebook Chia sẻ qua Twitter Chia sẻ qua Google Chia sẻ qua Yahoo Chia sẻ qua linkhay
 

Sản phẩm liên quan

ĐI DỌC HÀ NỘI (sách Việt Nam) tái bản 2013
Lộc vừng hồ gươm đường Trường Sa (tập truyện ngắn viết cho thiếu nhi)
Vắt qua những ngàn mây
Giá bán tất cả: 129.000 VNĐ
  ĐI DỌC HÀ NỘI (sách Việt Nam) tái bản 2013 - 42.000 VNĐ
  Vắt qua những ngàn mây  - 63.000 VNĐ
 

Mô tả sản phẩm

Tóm tắt nội dung:
Một cuốn sách khiến bạn thêm hiểu và yêu Hà Nội

Hà Nội -một thành phố có 1.000 năm tuổi, hẳn sẽ có rất nhiều điều để viết. Một thành phố gắn liền với mọi thăng trầm, biến thiên của đất nước, hẳn sẽ có nhiều điều để kể. Một thành phố mà sự ra đời, phát triển luôn đi cùng với quá trình tích hợp văn hóa đa dạng và phong phú, hẳn sẽ có nhiều sự kiện - hiện tượng để luận bàn… Và tất thảy những viết - kể - luận ấy sẽ chỉ có ý nghĩa khi người ta tiếp cận Hà Nội như một đối tượng khảo cứu, hiểu Hà Nội trong quá trình phát triển đã trở thành một “vỉa tầng” không bao giờ vơi cạn các thú vị bất ngờ; đặc biệt hơn, nếu có điều kiện, nên nhập thân vào nó để cảm, để hiểu, để suy nghĩ, để lý giải, để chia sẻ…
Với Đi dọc Hà Nội, Nguyễn Ngọc Tiến tiếp tục triển khai góc nhìn mới về một số vấn đề - sự kiện, giúp người đọc biết về “người Tràng An thanh lịch” qua thú chơi hoa, qua lịch sử cầu Thê Húc, qua thuốc phiện và rượu lậu của một thời… Và các vấn đề - sự kiện ấy luôn được tác giả xây dựng trên nền tảng con người, mà nổi trội là những người Hà Nội rất bình thường. Họ là người trồng hoa ở làng Ngọc Hà, là chị công nhân đã có mấy chục năm làm công việc coi sóc đồng hồ trên nóc nhà Bưu điện Bờ Hồ, và xa nữa về thời gian là những anh chị, cô bác bán hàng rong, người hát xẩm… cùng với các câu vè, lời rao hàng sinh động và lý thú. Đó là những con người đã góp phần làm nên một diện mạo khác của Hà Nội, khác xa với những “dân chơi” của đất kinh kỳ…


Bản quyền :
Đi dọc Hà Nội
Copyright © 2011 by Nguyen Ngoc Tien. All rights reserved.
Đi dọc Hà Nội© 2013 Chibooks.
Tác phẩm do Chibooks thực hiện và xuất bản theo thỏa thuận liên kết xuất bản với tác giả Nguyễn Ngọc Tiến, năm 2012.

Mục lục:

1.Đồng tính ở Hà Nội có từ bao giờ?
2.Từ Mơ Cơm đến phố Hàng Cơm
3.Bốn con yêu Long Thành và ma Hàng Trống
4.Xe buýt hà Nội xưa và nay
5. Tham nhũng và chống tham nhũng trong lịch sử
6.Xuất xứ câu" Tự nhiên như người Hà Nội"
7.Từ thiện ở Hà Nội  xưa
8.Dị nhân Hà Thành
9.Ba thần đèn họ Vương
10.Di sản đê
11.Người mầu thời trang Hà Nội xưa
12."Bốn yêu hộ tịch rõ ràng Thủ đô"
13. Ai xây Tháp Rùa?   
14. Răng đen, răng trắng và răng... Tetracycline   
15. Ban công Juliet và thuế ban công   
16. Đào Nhật Tân có từ bao giờ?   
17. Thụy Chương nấu rượu la đà cả đêm   
18. Thân phận hoa loa kèn   
19. Vỉa hè có từ bao giờ?   
20 “Một chọi một lên cột đồng hồ!”   
21. Người Hà Nội   
22. Tượng đài    
23. Phim và rạp một thời   
24. Điều còn ít biết về Nhà hát Lớn   
25. Câu đối và chữ
26. Hàng phượng phố Tràng Tiền   
27. Tiếng rao, món quà âm thanh miễn phí    
28. Từ nhà trọ đất đến khách sạn hứa    
29. Từ phu trạm đến điện thoại di động   
30. Kẻ cắp chợ Đồng Xuân    
31. Món đồ trang sức quý giá của hồ Gươm   
32. Dân chơi Thăng Long   
33. Bí ẩn động Thông thiền   
34. “Những ngã tư và những cột đèn”   
35. Thuốc phiện ở Hà Nội   
36. Từ thuốc lào đến thuốc lá   
37. Vườn hoa và công viên
38. Cái váy đàn bà   

Giới thiệu tác giả:
Nguyễn Ngọc Tiến
Phóng viên báo Hà Nội mới
Hiện sống và làm việc ở Hà Nội
Tác phẩm đã xuất bản:
Phần mềm tình yêu (truyện ngắn, NXB Hội nhà văn, 2006)
5678 bước chân quanh Hồ Gươm (NXB Văn học, 2008)
Đi ngang Hà Nội (NXB Văn học, Chibooks, 2011)
Đi dọc Hà Nội (NXB Thời đại, Chibooks, 2011)

Cuốn sách là tập hợp những ký sự sinh động, có tính chất khảo cứu về một số sự kiện - hiện tượng đã và đang diễn ra ở Thăng Long - Hà Nội, theo cả hai chiều lịch đại và đồng đại.
Đọc Đi dọc Hà Nội, nhớ về những điều đã trôi vào lãng quên, nghĩ về những điều vẫn hiện hữu nhưng đã khác xưa. Vật đổi sao dời, quá khứ mang theo nó quá nhiều giá trị, quá nhiều câu chuyện không bao giờ trở lại.
Đi dọc Hà Nội tái bản 1 có chỉnh lý, bổ sung thêm nội dung và hình ảnh sẽ đem lại cho độc giả một cái nhìn hoàn chỉnh hơn về Hà Nội xưa.
Các giải thưởng :
Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội 2012
Giải thưởng Văn học nghệ thuật 2012 của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam

Lời tựa :

Ngòi bút tài hoa và những trang sách không dễ viết
M
ột ngày giữa những năm 60 của thế kỷ trước, khi bình minh vừa ló dạng, tôi lon ton theo mẹ qua cầu Long Biên, để đi sơ tán. Mẹ gánh đôi tay nải may bằng vải. Tôi xách chiếc sắc du lịch cũ, trong đựng mấy bộ quần áo, hai đôi guốc gỗ sơn hoa mang theo dự trữ! Xách mãi mỏi tay, có lúc tôi luồn hai tay vào hai quai sắc, đeo sau lưng như ba lô. Đến giữa cầu nhìn lên cao, thấy trên đỉnh nhịp cầu có chiếc thùng hình vuông rất to, làm bằng sắt và gỗ, thấp thoáng bóng người và nòng súng nhô ra, tôi hỏi đó là ai, mẹ bảo: “Các anh cảm tử quân, con ạ!” Khi ấy, chưa hiểu cảm tử quân là gì, nhưng tôi cũng ngờ ngợ đó là những người dũng cảm. Gần mười năm sau, lúc nửa đêm, cùng bạn bè mới nhập ngũ, tôi ngồi trên tàu hỏa qua cầu Long Biên. Cầu vắng bóng người, thi thoảng mới thấy có bác xe thồ chở rau từ Gia Lâm sang. Cả nghìn anh lính trẻ thò đầu qua cửa sổ nhìn về phía Hà Nội, rồi không biết ai đó cất lên: “Tôi đứng đây trên nhịp cầu Long Biên lộng gió.” Thế là chúng tôi cùng hát, hát say sưa, hát như gào lên. Có lẽ đó là lần duy nhất ca khúc của nhạc sĩ Văn An được cất lên qua giọng hát của hàng nghìn người. Hà Nội xa dần, cuối cùng chỉ còn là một quầng sáng mờ. Tới khi ấy tôi mới biết, tôi yêu thành phố của mình thế nào, và tôi đã để lại phía sau bao nhiêu kỷ niệm. Trong chuyến tàu năm đó, nhiều bạn bè tôi đã không trở về, chúng tôi vẫn nhớ họ, vẫn nhắc đến họ trong những lần anh em tập trung nhân ngày nhập ngũ, ngày thành lập QĐND Việt Nam. Đó cũng là lý do làm cho tôi thuộc nằm lòng ca từ một ca khúc của Trần Tiến: “Ở nơi ấy tôi còn nhớ bạn bè xưa – Dòng máu sĩ bao người đi không về – Tháp Rùa ơi có nhớ bạn tôi – Hồn tha phương vẫn quanh quẩn phố phường...”
Yêu Hà Nội, bản tính lại tò mò, ham đọc, ham tìm hiểu, tôi đã đọc vô số sách viết về Hà Nội để rồi càng gần đây, tôi càng nhận ra trong số sách vở cùng đề tài mới xuất bản, một số tác giả đã thao tác theo lối cóp nhặt, xào xáo hơn là viết từ tư liệu tự khám phá, từ vốn liếng hiểu biết và từ suy tư của chính mình. Một thành phố có 1.000 năm tuổi, hẳn sẽ có rất nhiều điều để viết. Một thành phố gắn liền với mọi thăng trầm, biến thiên của đất nước, hẳn sẽ có nhiều điều để kể. Một thành phố mà sự ra đời, phát triển luôn đi cùng với quá trình tích hợp văn hóa đa dạng và phong phú, hẳn sẽ có nhiều sự kiện – hiện tượng để luận bàn... Và tất thảy những viết – kể – luận ấy sẽ chỉ có ý nghĩa khi người ta tiếp cận Hà Nội như một đối tượng khảo cứu, hiểu Hà Nội trong quá trình phát triển đã trở thành một “vỉa tầng” không bao giờ vơi cạn các thú vị bất ngờ; đặc biệt hơn, nếu có điều kiện, nên nhập thân vào nó để cảm, để hiểu, để suy nghĩ, để lý giải, để chia sẻ... Và hình như đến nay, với đề tài Hà Nội, số tác giả như vậy chưa nhiều?
Năm 2008, đọc 5678 bước chân quanh Hồ Gươm của Nguyễn Ngọc Tiến, tôi thấy thú vị. Đầu năm 2012, đọc Đi ngang Hà Nội của anh, tôi coi cuốn sách là một thành tựu rất cần trân trọng. Rồi vài tháng sau, đọc bản thảo Đi dọc Hà Nội, tôi đã có cái nhìn toàn diện hơn về tác giả. Tôi nhận ra một Nguyễn Ngọc Tiến không chỉ là một nhà báo, anh làm công việc khảo cứu một cách chững chạc, cẩn trọng, kỹ lưỡng, có trách nhiệm, và có chính kiến riêng... Vì thế, liệu có là quá lời khi khẳng định, đến Đi dọc Hà Nội, Nguyễn Ngọc Tiến thực sự mở ra cách tiếp cận mới, rất khác so với một số tác giả trước đây, cũng như đương thời, và anh đã thành công? Tôi đưa ra giả định này bởi qua ba cuốn sách, tôi nhận ra các bài ký sự – khảo cứu lịch sử văn hóa tinh tế của anh đã đạt tới “một đẳng cấp mới”. Và khi tập hợp trong các cuốn sách, chúng sẽ không chỉ để thỏa mãn nhu cầu đọc thuần túy, mà còn giúp vào sự hiểu biết. Khẳng định đó là có cơ sở, nếu lần lượt đọc ba cuốn sách tôi đã nhắc tới ở trên. Đặc biệt, với Đi dọc Hà Nội, các tư liệu và các giả định từ tư liệu được Nguyễn Ngọc Tiến khai thác, khai triển theo một logic nhất quán, trong sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn báo chí và văn khảo cứu. Đáng trân trọng là, các giả thuyết Nguyễn Ngọc Tiến đưa ra đều dựa trên cơ sở tư liệu cụ thể, luận giải khách quan, nhưng anh không có ý định bác bỏ ý kiến của tác giả đi trước. Anh đưa ra tư liệu mới, giả thuyết mới, để người quan tâm có thể cùng suy ngẫm. Thiết nghĩ đó là thái độ nghiêm túc, trong bối cảnh lưu trữ tư liệu ít được quan tâm, nhân chứng lịch sử về Hà Nội đang vơi mỏng theo thời gian, và các lớp “sa bồi” văn hóa – lịch sử của Hà Nội đã chồng lấn lên nhau, xen kẽ vào nhau, bác học hòa lẫn với dân gian, khiến khó có thể bóc tách một cách rạch ròi. Về phần mình, tôi quan tâm đến các ghi chép của Lê Quý Đôn, Lê Hữu Trác, Phạm Đình Hổ... mà Nguyễn Ngọc Tiến khai thác, nhất là ghi chép của một số tác giả là người Pháp ở Việt Nam trong khoảng cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Trên thực tế, các tài liệu này không nhiều, nhưng nếu biết khai thác, lại lựa chọn góc nhìn cẩn trọng theo hai chiều lịch đại và đồng đại, thì có thể sắp xếp các chi tiết để phác họa diễn trình và toàn cảnh của sự vật – hiện tượng với mọi hay – dở, đưa tới ý nghĩa tham chiếu. Trong Đi dọc Hà Nội, các ký sự – khảo cứu công phu và có giá trị như vậy khá nhiều, như: Ai xây Tháp Rùa?, Răng đen, răng trắng và răng Tetracycline, Đào Nhật Tân có từ bao giờ?, Thuốc phiện ở Hà Nội, Những ngã tư và những cột đèn, Phim và rạp một thời...
Đọc những trang sách viết về Hà Nội của Nguyễn Ngọc Tiến, tôi lại có thêm nhiều hiểu biết, thêm yêu Thành phố của tôi. Và ấn tượng sâu đậm nhất từ tập sách chính là hình ảnh của “người Hà Nội”, trong đó nổi lên hình ảnh của BS Trần Duy Hưng – vị Chủ tịch đầu tiên của Thủ đô, người mà từ ngày còn nhỏ, tôi đã đôi lần được gặp, khi ông đến nhà bà nội tôi ở phố Ấu Triệu để tặng lụa, quà Tết cho người trên 100 tuổi. Tài năng, trí tuệ và nhiệt huyết với dân với nước, đức độ và lịch lãm trong cuộc sống hàng ngày, hoàn toàn có thể coi BS Trần Duy Hưng là một mẫu hình tiêu biểu của “người Hà Nội” ở thời hiện đại, và dường như đây cũng là điều Nguyễn Ngọc Tiến muốn gửi gắm qua ký sự Người Hà Nội của anh. Từ đó nhìn rộng ra tôi nghĩ, “văn hóa Hà Nội và người Hà Nội” hai khái niệm vừa cụ thể, vừa trừu tượng, có thể xác định nội hàm qua ứng xử thường nhật của con người, qua những gì chỉ còn là vang bóng, qua những điều đang hiện hữu, đồng thời lại chỉ có thể “cảm thấy” một cách mơ hồ, không rõ rệt. Chắc chắn “văn hóa Hà Nội và người Hà Nội” là hai khái niệm hình thành từ lâu đời, thường được coi như mẫu hình về văn hóa và con người của đất nước. Thế nên, trải dài theo lịch sử, dù Thăng Long – Hà Nội có biến động thế nào thì hai khái niệm ấy vẫn tồn tại, và song hành cùng thời gian. Nếu trong 5678 bước chân quanh Hồ Gươm và Đi ngang Hà Nội, Nguyễn Ngọc Tiến đã đưa người đọc đến với “văn hóa Hà Nội và người Hà Nội” từ rất nhiều góc nhìn khác nhau; thì với Đi dọc Hà Nội, anh tiếp tục triển khai góc nhìn mới về một số vấn đề – sự kiện, giúp người đọc biết về “người Tràng An thanh lịch” qua thú chơi hoa, qua lịch sử cầu Thê Húc, qua thuốc phiện và rượu lậu của một thời... Và các vấn đề – sự kiện ấy luôn được Nguyễn Ngọc Tiến xây dựng trên nền tảng con người, mà nổi trội là những người Hà Nội rất bình thường. Họ là người trồng hoa ở làng Ngọc Hà, là chị công nhân đã có mấy chục năm làm công việc coi sóc đồng hồ trên nóc nhà Bưu điện Bờ Hồ, và xa nữa về thời gian là những anh chị, cô bác bán hàng rong, người hát xẩm... cùng với các câu vè, lời rao hàng sinh động và lý thú. Đó là những con người đã góp phần làm nên một diện mạo khác của Hà Nội, khác xa với những “dân chơi” của đất kinh kỳ.
Sau khi đọc hết cuốn sách thú vị này, bạn đọc nào đó có thể còn thấy “thòm thèm”, thậm chí chưa vừa ý, nhưng dẫu sao, vẫn cần phải cảm ơn tác giả. Vì khi mà ngay tại Hà Nội này, cuộc mưu sinh đang kéo nhiều người trong chúng ta vào vòng xoáy của các lợi ích cho hiện tại và tương lai, không có thời gian, thậm chí lơ đễnh khi nhìn về quá khứ, thì ngòi bút tài hoa của Nguyễn Ngọc Tiến vẫn cần mẫn và kỳ công, để viết nên những trang sách không dễ viết. Đó cũng là những trang sách có thể giúp chúng ta hiểu thêm về quá khứ, về dòng chảy văn hóa và dấu ấn của nhiều thế hệ ở Hà Thành, đồng thời nhắc nhở chúng ta rằng, hiện tại và tương lai không đến từ hư vô, mà đến từ quá khứ.
Nhà phê bình Nguyễn Hòa

Bây giờ là “đi dọc”

Bạn đọc báo Hà nội mới lâu nay khá quen với cái tên Nguyễn Ngọc Tiến, tác giả những phóng sự có xu hướng khảo cứu về Hà Nội. “Quen” kiểu “tay này chịu khó nhỉ”, nhưng do tâm lý đọc báo hàng ngày, dò tìm thông tin là chính, và do văn Nguyễn Ngọc Tiến bình thản kiểu “kiến bò”, không “nảy tưng”, nên sự chú ý đó cũng có chừng.
Sự thể khác đi khi trong năm nay, Nguyễn Ngọc Tiến tập hợp những bài viết trên rồi viết lại cho phù hợp với sách, in trên hai tập sách liên tiếp. “Đi ngang Hà Nội” (Chibooks và Văn học) ra tháng 3, tái bản liên tục với số lượng lớn. Tháng 8, “Đi dọc Hà Nội” (Chibooks và Thời đại) ra, còn đương nóng sốt thì báo Thể thao – Văn hóa đã trao cho hai “đứa con” đẻ mắn của ông giải thưởng Bùi Xuân Phái năm nay, dành cho người đóng góp nhiều cho Hà Nội.
Từ “đi ngang” đến “đi dọc” có gì khác nhau? “Ngang” nghe có vẻ “ngang qua”, lớt phớt hơn chăng, còn “dọc” lại là cách tiếp cận khác, phương pháp khác với cùng một chủ thể ấy? Về cơ bản tôi thấy không khác nhau lắm, nhưng bài trong “đi dọc” dài hơn chút ít, chứng tỏ tác giả ít bị nệ hơn vào số chữ. Và quan trọng hơn, sự khảo cứu nghiền ngẫm nhiều hơn, nhất là theo chiều về quá khứ. Công phu lặn ngụp trong thư tịch cổ, tư liệu, sách vở, mạng, ghi chép của dòng họ, hỏi han người biết chuyện… như thế rất dầy dặn. Nhưng thế mới chỉ là “đi chợ”. Để “nấu” lại phải so sánh, loại bỏ phần này, đắp dày thêm phần kia, đặng cho ra một “món” ít ra là đủ tin cậy. Và có những chỗ Ngọc Tiến tỉnh táo, chả dại gì “ngược” lên mãi quá khứ. Nhiều sự vật ngắm nghía, ông ngưng ở thời cận đại, tài liệu Pháp để lại vẫn xác thực hơn. Sự thận trọng ấy là cần thiết. Những tục ngữ, phương ngôn vẫn được dùng nhiều, vừa sinh động, hùng hồn lại kiệm được lời. Thế hệ trẻ qua đây biết nhiều “sự” của quá khứ, người có tuổi được dịp nếm trải lại, đôi khi muốn tranh luận với tác giả.
Khảo cứu của Ngọc Tiến có độ dừng, như năm xây tháp Rùa hồ Gươm, Bí ẩn động Thông Thiền, ông chỉ hệ thống các cách lý giải rồi dừng lại, chả xông ra kết luận làm gì. Nhưng kẻ cắp chợ Đồng Xuân thì có tên có mặt. Ông đem tới những nhận thức mới: vua Minh Mạng quyết tâm chặn thuốc phiện, quân Cờ Đen không phải chỉ đánh Pháp mà còn giết lương dân. Cũng có chỗ làm tôi ngờ ngợ, như năm người Mông di sang Việt Nam, số lượng bê tông đổ lót móng Nhà hát lớn.
Về cơ bản, “đi dọc” không phải chỗ làm văn. Nhưng ta có thể gặp đây đó những đoạn, những câu trữ tình, hóm hỉnh hoặc rất gợi. “Ở Nhật Tân, những ngày giáp tết, mỗi nhà đều muốn có riêng một ông trời”, “sấu chua khiến cả hàm răng đen như mặt cống”, “dưới mỗi cột đèn là thân phận một con người, đa phần là cao tuổi”. “Tiếng rao, món quà âm thanh miễn phí” là bài tôi thích nhất, chín cả phần thông tin và mềm mại trong cách thể hiện.
Từ báo sang sách là một thử thách không dễ. Có những cây bút nổi đùng đùng trên báo nhưng khi tập hợp, ra sách lại chả ai để ý. Trường hợp Nguyễn Ngọc Tiến thì ngược lại. Giải thưởng Bùi Xuân Phái cho những “ngang” và “dọc” chứng tỏ điều ấy. Mong là tới đây, báo Thể thao – Văn hóa để tâm đến cả những tên tuổi trầm lắng hơn như Vũ Tuân Sán, Nguyễn Thừa Hỷ, hoặc cả người đã khuất như Trần Quốc Vượng. Đấy đều là những người đã đào bới Hà Nội đến vỉa rất sâu.

-    Nhà báo Hoàng Định
                                                         (báo Hà Nội mới ngày 19-9-2012)


 

Chi tiết sản phẩm

GIẢI THƯỞNG BÙI XUÂN PHÁI VỀ TÌNH YÊU HÀ NỘI 2012
GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT HÀ NỘI 2012

-.Sách tái bản có bổ sung, thuộc tủ sách Hà Nội.-

Tác giả: Nguyễn Ngọc Tiến
Đồng tác giả cuốn: ĐI NGANG HÀ NỘI
Đơn vị xuất bản: Chibooks
Đơn vị cấp giấy phép: NXB Thời đại
Số trang mới: 352 trang
 Khổ sách: 14,5x 20,5cm
 Giá bìa mới: 85.000 đồng
Mã vạch mới: 8936046240747

Book trailer: http://www.youtube.com/watch?v=j5SAgdhIrI4

 

Nhận xét của khách hàng

Chưa có nhận xét nào. Bạn là người đầu tiên?
 
  Lịch sử duyệt web   Khách hàng mua sản phẩm trong "lịch sử duyệt web" cũng mua  
 

Xem lịch sử duyệt web